[CÀI TẾT] Làm sao để "xương khớp thanh xuân"

19/01/2023 11:18

Đón xuân, thêm tuổi mới, bên cạnh niềm vui nhìn thấy con cháu lớn khôn thì nỗi lo tuổi xế chiều mang tên xương khớp lại đến. Lo lắng là hoàn toàn có lý, bởi theo thời gian, mọi thứ ngày càng suy yếu dần. Hiện nay, bệnh ngày càng trẻ hóa. Tuy nhiên, nếu biết cách khắc chế, vẫn có thể kéo dài tuổi thanh xuân cho xương khớp.

Bộ máy vận động tinh tế được tạo hóa ban tặng cho chúng ta, bao gồm nhiều thành phần liên quan như cơ, xương, khớp, gân, dây chằng, bao khớp và các mô liên kết. Khung xương đóng vai trò như giàn giáo nâng đỡ trọng lượng cơ thể, là điểm bám của gân cơ, dây chằng. Các đầu xương được che phủ bởi lớp sụn trơn láng, giảm thiểu ma sát khi vận động, nhưng vẫn đảm bảo không bị lỏng lẻo nhờ các phần mềm liên kết quanh khớp. Chiếm tới hơn 75% trọng lượng cơ thể, với 206 xương và hơn 600 cơ bắp ở người trưởng thành, hệ cơ xương khớp vừa chắc chắn, vừa linh hoạt, bảo vệ các cơ quan nội tạng, giúp chúng ta giữ tư thế đứng thẳng và di chuyển dễ dàng.

Quan trọng là thế, nhưng hệ cơ xương khớp không phải bất biến, mà là một thực thể sống, luôn biến đổi. Chu trình tạo xương – hủy xương diễn ra liên tục, sau một thập kỷ chúng ta gần như có một bộ xương “mới”. Mật độ xương được tích lũy đạt đỉnh ở khoảng 30 tuổi, sau đó giảm dần theo độ tuổi. Quá trình thoái hóa cũng diễn ra do tác động từ nhiều yếu tố: di truyền, lối sống, tính chất công việc, thể thao, dinh dưỡng, các bệnh lý mắc phải… Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm gì để giữ gìn sức khỏe xương khớp?


Một quan niệm chưa đúng là chỉ từ độ tuổi trung niên, khi có triệu chứng xương khớp thì mới cần quan tâm đến. Cơ thể chúng ta có khả năng hồi phục và bù trừ tuyệt vời, do đó các vấn đề sức khỏe khi đã bộc lộ ra, thường là đã có một quá trình diễn tiến từ trước đó. Với hệ vận động cũng vậy, nếu chúng ta không có sự tích lũy “làm vốn” từ trước, và hạn chế những yếu tố gây hại phát sinh trong đời sống, sức khỏe xương khớp cũng sẽ bị ảnh hưởng không tốt.

Cụ thể hơn, từ độ tuổi thanh thiếu niên, cần lưu ý chế độ ăn uống đầy đủ chất, bổ sung các thành phần hữu cơ và khoáng vô cơ cấu thành nên cơ xương khớp: calci, vitamin D, magnesium, protein, collagen… Kết hợp với một chế độ thể dục thể thao, để phát tín hiệu cho cơ thể cần bồi đắp thêm cho xương khớp chắc khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý chế độ tập luyện điều độ, tránh quá sức và dẫn đến chấn thương. Khi có chấn thương xảy ra, cần được xử trí đúng để phục hồi tốt nhất, tránh những hệ quả đáng tiếc lâu dài. Ví dụ như khớp lỏng lẻo, lệch khớp, hoặc gãy xương phạm khớp có cấp kênh mặt khớp, đều dẫn đến gia tăng đáng kể nguy cơ thoái hóa khớp sau này. Một tư thế học tập, làm việc chuẩn cũng giúp ích rất nhiều cho hệ vận động, giảm bớt áp lực lên xương khớp.


Bước vào độ tuổi 30, khi quá trình thoái hóa bắt đầu diễn ra, chúng ta cần lưu ý các yếu tố nguy cơ gây hại cho cơ thể nói chung và hệ vận động nói riêng. Có những yếu tố không thay đổi được như di truyền, một số người dễ bị thoái hóa khớp hơn những người khác, thoái hóa mang tính gia đình. Bên cạnh đó, cũng có nhiều yếu tố thay đổi được. Kiểm soát cân nặng tốt để giảm áp lực lên xương khớp, đồng thời cũng giảm phản ứng viêm có hại cho hoạt động tái tạo của khớp. Hút thuốc lá ảnh hưởng xấu lên tim mạch, giảm máu nuôi đến hệ vận động. Các bệnh lý như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, gout cũng cần được điều trị, kiểm soát tốt. Chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập luyện tích cực vẫn cần được duy trì, lưu ý bổ sung các thực phẩm có tính kháng viêm, chống oxy hóa, giàu omega 3-6-9 (các loại hạt, cá dầu, dầu oliu…), tránh sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo chuyển hóa.

Ở độ tuổi lớn hơn, cần lưu ý đến các bệnh lý thoái hóa có thể phát sinh, ví dụ như viêm rách gân, viêm điểm bám gân, gai xương, thoái hóa khớp. Loãng xương cần được lưu tâm, đặc biệt ở nhóm nguy cơ: lớn tuổi, nữ giới, đã mãn kinh. Loãng xương âm thầm ít triệu chứng, nhưng làm gia tăng nguy cơ gãy xương (xẹp đốt sống, gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới xương quay…), và điều trị gãy xương trên bệnh nhân loãng xương sẽ khó khăn hơn, thời gian phục hồi lâu. Thoái hóa khớp mới xuất hiện, mức độ nhẹ đến vừa cũng cần được điều trị tích cực để kéo dài thời gian sử dụng khớp: thuốc uống, tiêm khớp, vật lý trị liệu. Ở giai đoạn nặng khi các biện pháp điều trị bảo tồn không còn hiệu quả, có chỉ định thay khớp để giải quyết triệt để triệu chứng, phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân.

Tóm lại, nếu biết cách chăm sóc hệ cơ xương khớp một cách khoa học và xây dựng thói quen tốt từ khi còn trẻ, chúng ta sẽ hưởng lợi dài lâu từ một hệ vận động khỏe mạnh với xương chắc, khớp khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ths.BS Nguyễn Nam Anh

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp